
Vì Sao Trầm Hương Được Xếp Bậc Nhất Trong Tứ Đại Danh Hương Ở Văn Hóa Á Đông?
15/05/2025
8 phút đọc
Nội dung bài
viết
LỜI TỰA
Mọi vật trên thế gian này đều có khí. Khí là thứ không nhìn thấy, nhưng điều phối tất cả vận hành từ động tĩnh của trời đất đến an loạn trong lòng người. Khí thuận thì thân yên, tâm an, ý sáng. Khí nghịch thì bệnh sinh, trí loạn, thần tán. Người xưa học khí trước khi học y, dưỡng khí trước khi tu tâm. Và trong tất cả các cách dưỡng khí, không gì tinh tế và thầm lặng bằng hương.
Hương đúng nghĩa cổ không phải là mùi. Hương là khí đã tụ, là tinh hoa của đất trời được hun đúc qua thời gian và vật chất, nên có thể vượt khỏi vạn tượng mà vẫn giữ được tính chân nguyên. Các loại hương chân chính vốn sinh trưởng trong núi sâu rừng thẳm, hấp thụ tinh hoa nhật nguyệt mà tụ khí thành hương, ấy gọi là hạng thượng phẩm.
Trần Thị Hương Phổ có viết: "Hương là chính khí của trời đất. Khí thanh khiết thì bay lên, khí đục thì lắng xuống, vì vậy nó có thể thông với thần linh, làm lay động lòng người." Cho nên hương là phép dẫn vô hình trong vũ trụ.
Trong lịch thư hương cổ có một bản ghi gọi là Thập Đức Hương, tức mười đức hạnh mà người dùng hương tiếp thụ được trong quá trình dùng hương. Mười phẩm ấy phần nằm trong bản chất vật liệu, phần quan trọng hơn nằm trong đạo khí mà người xưa đã thấm nhuần. Bởi vì hương chỉ là chất dẫn, còn đạo vốn nằm ở nhân.
Trầm hương là một chất dẫn trọn vẹn nhất cho mười phẩm đức ấy, được xếp bậc nhất trong Tứ đại danh hương không phải vì mùi mà vì khí. Trầm là khí chính của đất trời, vào thân qua hơi thở, đi vào tâm qua cảm ứng, đi vào nhà qua chiều bay của làn khói.
Trầm không chữa lành nhưng lại có thể đưa người về trạng thái có thể tự chữa. Trầm tiễn khí cũ tan để khí mới được sinh. Không phải hương nào cũng có đức và cũng không phải ai cũng sống được cùng hương. Nhưng nếu có một ngày muốn bước ra khỏi vùng nhiễu của đời sống mà không cần đi đâu xa, hãy thử ngồi yên cạnh một nén trầm.
Là hậu nhân của đạo khí, Trầm hương Ân Vũ chỉ mong góp một phần nhỏ, tiếp dẫn mười phẩm đức này đến với những ai còn giữ một chỗ yên trong lòng để tiếp nhận hương. Chuỗi bài viết này không phải để ca tụng trầm, cũng không cố làm sống lại những giá trị đã lùi vào quá khứ mà là mười lần nhìn lại những phẩm chất vi tế mà người xưa từng sống chung qua một nén hương đang cháy. Để chúng ta nhận ra một làn hương có thể là chiếc cầu khí mảnh nhất để bạn trở về với chính mình, mà không cần đi đâu xa cả.
MƯỜI ĐỨC HƯƠNG CỦA TRẦM
Trong văn hóa cổ Đông phương, “hương” chưa bao giờ chỉ được hiểu là thứ để làm thơm. Hương trong gốc nghĩa là khí thanh tụ lại thành dạng mùi, nhưng mang khả năng điều khí, an thần, thông thiên và khai sáng. Và trong số muôn hương, trầm được tôn là khí chính của trời đất vì sinh từ thương tích, kết trong âm thầm, và giữ được khí thuần khi đốt lên.
Chú thích ảnh: Một phần của bức họa Thính Cầm Đồ của Tống Huy Tông, mô tả 1 buổi nhã hội của cổ nhân thường đem việc đánh đàn và đốt hương kết hợp với nhau
Trầm hương là hạng bậc nhất trong Tứ đại danh hương cổ: Trầm, Đàn, Long, Xạ. Không phải vì thơm mà vì có khí, không phải vì lan xa mà vì đi sâu.
Nền y học cổ truyền Trung Hoa xem trầm như vị thuốc thượng phẩm để dưỡng thân. Trong "Tứ khố toàn thư" có ghi chép tỉ mỉ và nói về những loại trầm chỉ dành cho thiên tử. Còn trong các môn chính giáo tu luyện coi trầm là pháp khí để "thông thiên địa".
Xã hội cổ đại với chiều dài lịch sử đã xây dựng cả hệ thống triết lý quanh trầm hương: mùi ngọt ấm tượng trưng cho nhân, vị đắng tượng trưng cho trí, khói tỏa không tan biểu hiện chữ tín. Người xưa ví trầm như quân tử "bên ngoài khiêm nhường, bên trong phẩm chất cao quý" càng đốt càng tỏa hương thơm ngát.
Trầm không chỉ là một mùi, mà là một dòng khí mang theo phẩm chất. Trầm là thượng hương, vừa nuôi dưỡng vừa chỉ cho hậu thế một con đường tu dưỡng. Người xưa gọi đó là Thập Đức Hương, nhưng với người dùng trầm, ấy là Mười Đức của Trầm.
Dưới đây là mười phẩm chất mà người xưa gọi là “đức hương”, chỉ khi sống cùng trầm thật ta mới có thể dần cảm ra từng điều một, như từng lớp khí hiện dần trong tĩnh.
1. Cảm cách quỷ thần (感格鬼神): Khí của trầm đi xa, nhưng không tán loạn. Người dùng trầm trong sự thành kính khí thanh sẽ sinh giao cảm. Không cần lễ lớn, chỉ cần tĩnh tâm – trầm có thể mở lại cánh cửa giữa người với phần linh thiêng của đời sống.
2. Thanh tịnh tâm thân (清浄心身): Trầm là gỗ mang vết thương, nhưng chính vì thế, khí trầm đủ khả năng làm dịu những vùng tổn thương trong thân và tâm.
3. Năng phất ô uế (能払汚穢): Khí trầm thuộc tính dương có thể đẩy lùi khí trọc, tẩy rửa chất bẩn ô uế và độc tính.
Chú thích ảnh: Thanh Giác Trầm Hương Xông Nhà Nhiều Dầu phù hợp thanh tẩy uế khí và tà khí, lập tức mang lại một không gian thanh sạch cho gia chủ
4. Năng giác thụy miên (能覚睡眠): Trầm tạo ra không gian nghỉ ngơi lý tưởng cho những tâm trí mệt mỏi.
5. Tĩnh trung thành hữu (静中成友): Trầm có thể chữa lành sự cô đơn. Không phải ai cũng có thể làm bạn với yên tĩnh, nhưng trầm thì có thể.
6. Trần lý du nhàn (塵裏愉閑): Trầm nhắc bạn sống bình tĩnh và an nhiên ngay giữa bụi trần.
7. Đa nhi bất yếm (多而不厭): Trầm hương thật dùng lâu không gây mệt, mỗi lần đốt, là một làn hương mới.
8. Mộ nhi tri túc (募而知足): Đốt trầm không cần đốt nhiều, chỉ một lượng ít cũng đã đủ đầy. Đó cũng là cách trầm dạy ta biết tri túc – không cần nhiều để thấy yên.
9. Cửu tàng bất hủ (久藏不朽): Trầm càng cất giữ lâu càng thơm, bảo quản lâu dài không hỏng, đó là đức của sự bền.
Chú thích ảnh: Nhang trầm hương không tăm Hiểu Yên, không chỉ giữ vững mà còn phát triển mạnh mẽ hương thơm sau khi lưu trữ. Sau sáu tháng, tầng hương trở nên hài hòa, ngọt ngào hơn. Sau một năm, mùi thơm mở ra chiều sâu mới, trọn vẹn và quyến rũ, là hiện thân của sự trưởng thành và giá trị vĩnh cửu.
10. Thường dụng vô chướng (常用無障): Trầm dùng thường hằng mà không gây hại, là “thuốc bổ khí” cho không gian, mỗi ngày một ít, nhưng lâu ngày thành dưỡng.
Có người dùng trầm cả đời nhưng không chạm vào đức nào bởi họ chỉ đốt để thơm. Nhưng cũng có người, chỉ cần ngồi yên một lần bên một nén trầm thanh sạch, đã cảm được một sự đổi khác âm thầm trong tâm khí.
Trầm không dạy đạo bằng lời. Nhưng ở bên trầm đủ lâu, người sẽ tự biết cách điều thân, dưỡng khí, tu ý và sống tĩnh hơn vì mỗi đức của trầm là một phẩm hạnh.
Nếu một ngày bạn thấy không phải cần nghe thêm lời khuyên, không cần thêm động lực, không muốn chạy theo thêm bất kỳ xu hướng chữa lành nào, mà chỉ đơn giản là muốn có những giây tĩnh lặng để suy ngẫm, có thể chỉ cần một nén trầm là đủ.
Có lẽ đây là lúc trầm bắt đầu giúp bạn nhận ra: khi được sống trong một khí trường lành, ta sẽ tự biết cần lặng lại ở đâu, nhẹ nhàng sửa lại điều gì và đâu là điều nên giữ, đâu là điều nên buông.
Trầm không đưa ta đi xa mà đưa ta trở về, để thấy những phẩm hạnh đã có sẵn nơi mình, chỉ là khí còn động, nên chưa hiện.
Nếu một làn hương có thể mang theo mười đức, thì mỗi đức ấy xứng đáng được nhìn thật sâu. Trong các bài viết tiếp theo chúng ta sẽ cùng bàn từng phẩm hạnh, không để học thêm điều mới, mà để nhớ lại những điều cao quý đã từng có trong mình.
Bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa trầm hương? Hãy theo dõi blog của Ân Vũ để cập nhật các bài viết mới nhất.
Trầm Hương Ân Vũ - Hương Thơm Chữa Lành